Ngân hàng và hệ thống tài chính xanh

Vừa qua, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN (VNU - UEB) và ĐH Lincoln, Vương Quốc Anh đã cùng nhau kí kết văn bản hợp tác song phương và đồng tổ chức Hội thảo quốc tế chủ đề “Tài chính cho đổi mới, khởi nghiệp và tái tạo năng lượng”.
Để có thông tin cụ thể PV đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN về một số nội dung liên quan.

Ông có thể chia sẻ cụ thể về các nội dung hợp tác song phương giữa Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và ĐH Lincoln, Vương Quốc Anh?

Đều là những tổ chức giáo dục có thế mạnh trong nghiên cứu, với mục tiêu tăng cường tính ứng dụng trong đào tạo, do vậy, cả hai đã tìm được nhiều hướng đi chung để hợp tác song phương. Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và ĐH Lincoln sẽ phối hợp hợp tác nghiên cứu về Tài chính ngân hàng xanh và tài chính cho khởi nghiệp.

Về đào tạo, ĐH Lincoln sẽ hộ trợ tư vấn phát triển chương trình đào tạo Cử nhân chất lượng cao chuyên ngành TCNH và chương trình đào tạo Thạc sĩ chất lượng cao chuyên ngành Quản trị các tổ chức tài chính.

Trường Kinh doanh quốc tế Lincoln sẽ cử các chuyên gia tham gia với tư cách là giảng viên thỉnh giảng và diễn giả cho chương trình. Hai bên cũng sẽ thực hiện việc trao đổi sinh viên, học viên dưới dạng các khóa học mùa hè tại trường hoặc thực tập thực tế tại trung tâm tài chính hàng đầu thế giới ở London.

Đâu là lý do lựa chọn Lincoln làm đối tác đồng hành với quá trình phát triển của Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong tương lai, thưa ông?

Một trong các lý do Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN lựa chọn ĐH Lincoln làm đối tác trước hết đó là chất lượng đào tạo tốt, được đánh giá và xếp cao ở Anh. Năm 2016, PGS. TS. Trần Thị Thanh Tú - Trưởng khoa TCNH, ĐHKT đã trực tiếp sang làm việc và phối hợp thực hiện nghiên cứu về mô hình ngân hàng xanh tại ĐH Lincoln.

Có thể nói, hội thảo quốc tế này là phát triển ý tưởng hợp tác nghiên cứu do hai bên đã bàn thảo từ năm 2016. Hơn nữa, TS. Quách Mạnh Hào là nguyên trưởng khoa TCNH, ĐHKT, ĐHQGHN hiện đang là giảng viên cao cấp của Trường ĐH Lincoln. Do vậy, TS Hào là đầu mối giúp gắn kết chặt chẽ mối quan hệ hợp tác và tăng cường triển khai các hoạt động hợp tác giữa hai bên.

Dư luận đánh giá đây là một hội thảo thành công.Ông nói thêm đôi điều về hội thảo này?

Đây là hội thảo nhằm chia sẻ những nghiên cứu mới nhất, chia sẻ quan điểm và trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề khởi nghiệp, sáng tạo và phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới và tại Việt nam. Ngoài ra, hội thảo cũng hướng tới việc lan tỏa và tăng tính ứng dụng của các sản phẩm nghiên cứu. ĐH Kinh tế hi vọng thông qua Diễn đàn khoa học này, các học giả trong lĩnh vực tài chính, kế toán và ngân hàng, các chuyên gia thực tiễn, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách sẽ cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tư vấn cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp các khuyến nghị và biện pháp nhằm phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế một cách bền vững trên cơ sở tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Những quan điểm chung nhất của các nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ về “tài chính cho đổi mới, khởi nghiệp” “năng lượng tái tạo” là gì, thưa ông?

Các nhà khoa học đều nhấn mạnh vào sự cần thiết của năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế, đặc biệt là hướng tới phát triển xanh và bền vững. Đồng thời, các nhà khoa học đến từ ĐH Swinburne, Úc và Quỹ GIZ cũng đề cập tới khó khăn của việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó phải kể tới chi phí tài chính khá lớn. Đây là một trong những trở ngại cho các nước đang phát triển trong đó có Việt nam. Thông qua đó, một số các giải pháp được thảo luận. Các kết quả nghiên cứu cho thấy hiện nay là thời gian để Việt Nam nắm bắt cơ hội phát triển năng lượng tái tạo và hoàn thành mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.

Các nhà khoa học tập trung nghiên cứu về huy động tài chính đám đông hay còn gọi là huy động vốn cộng đồng (Crowd funding) dành cho các công ty khởi nghiệp. Kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu của PGSTS Trần Thị Thanh Tú cho thấy huy động vốn cộng đồng đang được chú ý tại Việt nam và đã có không ít startups huy động vốn thành công từ hình thức này. Tuy nhiên, cũng rất nhiều dự án thất bại do các nguyên nhân khác nhau. Do đó, các thảo luận đưa ra xoay xung quanh vấn đề các sart-ups cần đặt ra khối lượng vốn mục tiêu phù hợp, xây dựng mạng lưới quan hệ với nhà đầu tư và tích cực quảng bá cũng như cập nhật thông tin của dự án. Đồng thời, TS David Charle, đến từ ĐH Lincoln đã chia sẻ vai trò của các trường đại học trong việc phát triển các mô hình khởi nghiệp. Các nghiên cứu trao đổi tại hội thảo cũng nhấn mạnh vào việc nâng tầm hiểu biết về tài chính cho nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nên hiểu khái quát về ngân hàng xanh” và "hệ thống tài chính xanh” thế nào cho đúng, thưa ông?

Ngân hàng xanh là mô hình ngân hàng bền vững, đặt lợi ích của ngân hàng gắn liền với lợi ích của môi trường, xã hội. Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Thanh Tú đã chỉ ra 5 cấp độ Ngân hàng xanh, trong đó cấp độ thấp nhất - hầu hết các ngân hàng Việt nam đang hoạt động ở cấp độ này. Một số NH lớn như BIDV, Vietinbank đang ở cấp độ 3 khi có những dự án ủy thác đầu tư cho vay đảm bảo các cam kết môi trường hay đầu tư vào các ngành không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng. Cấp độ cao nhất là các NH có chiến lược phát triển toàn diện các sản phẩm dịch vụ nhằm đảm bảo phát triển bền vững, môi trường, và có trách nhiệm xã hội.

Tài chính xanh là hệ thống tài chính bao gồm các trung gian tài chính xanh, trong đó có ngân hàng xanh, các công cụ huy động vốn xanh, các thị trường tài chính xanh, các chỉ số xanh… nhằm tạo lập và huy động nguồn vốn và đầu tư xanh cho phát triển kinh tế, đồng thời vẫn đảm bảo bền vững về môi trường.

Nhóm nghiên cứu mạnh có công rất lớn cho sự thành công của Hội thảo, ông đánh giá thế nào về chủ trương ĐHQGHN thúc đẩy sự phát triển của các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng?

Chủ trương thúc đẩy sự phát triển của các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng của ĐHQGHN là rất đúng đắn và cần thiết đặc biệt là đối với một trường đại học định hướng nghiên cứu như ĐH Kinh tế, tạo cơ hội cho các nhà khoa học tập trung nghiên cứu chuyên sâu. Hội thảo Tài chính cho đổi mới, khởi nghiệp và năng lượng tái tạo do nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHKT, ĐHQGHN do PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa TCNH dẫn dắt đã lập kế hoạch chuyên môn và chủ trì tổ chức cũng như tìm kiếm nguồn tài trợ. Đây là nhóm nghiên cứu được đánh giá rất cao tại ĐHKT, ĐHQGHN và đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa và tầm cỡ trong các lĩnh vực về tài chính, ngân hàng, kết nối được cac chuyên gia thực tiễn và nhà khoa hoạc trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp, ngân hàng. Hội thảo cũng là mở ra một hướng nghiên cứu liên ngành giữa các trường thành viên trong ĐHQGHN, khi mà các nghiên cứu về kinh tế phải gắn với các nghiên cứu về môi trường và tăng trưởng xanh.

Những kì vọng của ông đối với sự hợp tác giữa Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và ĐH Lincoln trong thời gian tới?

Trước hết, tôi hi vọng, ĐH Lincoln sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ cùng nghiên cứu về tài chính ngân hàng xanh, hợp tác phát triển kết nối với hoạt động nghiên cứu của Khoa TCNH; tạo dựng mạng lưới nghiên cứu với các nhà khoa học quốc tế trong nghiên cứu về tài chính ngân hàng xanh. Về đào tạo, bên cạnh việc tư vấn hỗ trợ phát triển chương trình đào tạo cử nhân CLC Tài chính ngân hàng và Thạc sĩ Quản trị các tổ chức tài chính, trường ĐH Kinh tế mong muốn cùng ĐH Lincoln tiếp tục nghiên cứu để phát triển các chương trình học chất lượng cao khác trong thời gian tới, tăng cường trao đổi sinh viên, học viên, đẩy mạnh các hoạt động thực tập thực tế.

Trân trọng cảm ơn PGS!

 
Đỗ Ngọc Diệp

Các tin khác
 
   
 

free stats

Bản quyền thuộc về Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
Giấy phép số 3994/GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông, UBND Thành phố Hà Nội cấp ngày 14/12/2015
144 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.    Tel: (84.24) 37547506     Fax: (84.24) 37546765
Email: news_ueb@vnu.edu.vn
Website:
http://ueb.edu.vn   -   http://ueb.vnu.edu.vn