Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giai đoạn 1974 - 1995
Trong lịch sử 40 năm xây dựng, trưởng thành - kể từ tiền thân là Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN) năm 1974 cho đến Trường Đại học Kinh tế thuộc ĐHQGHN ngày nay, mỗi chặng đường phát triển của ĐHKT đều gắn với những giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước và của ĐHQGHN, để lại nhiều thành tích và dấu ấn đáng tự hào, giúp bồi đắp thêm truyền thống và nhân lên sức mạnh nội lực, làm nền tảng cho những thành công của Trường trong tương lai.
Trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, đất nước đang bước vào giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa (XHCN), rất cần có đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu và giảng dạy Kinh tế Chính trị Mác - Lênin. Khi ấy, cả nước chỉ có duy nhất Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy Kinh tế Chính trị Mác - Lênin. Cán bộ làm công tác này còn rất thiếu, chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đặc biệt là đội ngũ trẻ, được đào tạo bài bản chính quy.
Trong bối cảnh đó, Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHTHHN được thành lập vào tháng 11/1974 và được thể chế hóa theo Thông báo số 15/TB-TƯ của Ban Bí thư Trung ương ngày 22/7/1976. Khoa có nhiệm vụ đào tạo cán bộ Kinh tế Chính trị có trình độ đại học và trên đại học, vừa có khả năng nghiên cứu, vừa có khả năng giảng dạy để cung cấp cán bộ làm công tác giảng dạy và nghiên cứu Kinh tế Chính trị Mác - Lênin cho các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu kinh tế, các cơ quan quản lý kinh tế xã hội từ Trung ương đến cơ sở.
Việc thành lập Khoa Kinh tế Chính trị Trường ĐHTHHN là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính phủ đối với công tác lý luận và đào tạo đội ngũ cán bộ Mác - Lênin cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Ban Khoa giáo Trung ương đã điều động GS. Trần Phương, lúc bấy giờ là Viện trưởng Viện Kinh tế thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) kiêm giữ chức vụ Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị của Trường ĐHTHHN; cố GS. Đào Văn Tập, lúc bấy giờ là Phó Viện trưởng Viện Kinh tế thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (KHXHVN) kiêm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Khoa. Những ngày đầu thành lập, Khoa phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, đặc biệt là khó khăn về lực lượng cán bộ, các điều kiện về cơ sở vật chất cho giảng dạy và học tập.
Những năm đầu xây dựng (1974 - 1986)
Dưới sự chỉ đạo của Ban Khoa giáo Trung ương, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường ĐHTHHN, dưới sự lãnh đạo của GS. Trần Phương và cố GS. Đào Văn Tập, Khoa Kinh tế Chính trị đã khắc phục khó khăn về nhiều mặt, nhanh chóng ổn định tổ chức. Năm bộ môn được hình thành, gồm Bộ môn Kinh tế Chính trị phần Xã hội Chủ nghĩa, Bộ môn Kinh tế Chính trị phần Tư bản Chủ nghĩa, Bộ môn Lịch sử các học thuyết kinh tế và Lịch sử Kinh tế Quốc dân, Bộ môn Kinh tế Thế giới và Quan hệ Kinh tế Quốc tế, Bộ môn Khoa học Quản lý. Các bộ môn được Khoa xác định là đơn vị cơ sở trong đào tạo của Khoa, chịu trách nhiệm trực tiếp về kế hoạch giảng dạy, chất lượng giảng dạy và học tập, tổ chức nghiên cứu khoa học, thực tập phục vụ thực tế cho giảng viên và sinh viên.
Ban đầu lực lượng cán bộ của Khoa còn rất mỏng với 5 cán bộ kiêm nhiệm từ Viện Kinh tế và 3 cán bộ trong biên chế của Trường ĐHTHHN. Lực lượng cán bộ từng bước được bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là các cán bộ giảng dạy có kinh nghiệm tại các cơ sở đào tạo đại học trong nước, các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, có phẩm chất chính trị tốt từ các trường đại học nước ngoài và từ chính Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHTHHN.
Trong điều kiện hết sức khó khăn về tổ chức và cán bộ khi mới thành lập, Khoa đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ các Viện thuộc Ủy ban KHXHVN, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc và các trường bạn. Đa số các cán bộ giảng dạy, hướng dẫn thực tế, thực tập, tốt nghiệp là các giáo sư, nhà khoa học đầu ngành của các cơ quan đó.
Mục tiêu đào tạo của Khoa giai đoạn này là đào tạo cán bộ lý luận kinh tế vừa có khả năng làm công tác nghiên cứu vừa có khả năng giảng dạy môn Kinh tế Chính trị với mô hình con người được đào tạo phải đồng thời là nhà khoa học, nhà chính trị, nhà sư phạm và nhà hoạt động xã hội, là một chiến sĩ đấu tranh để bảo vệ và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng.
Thực tế công tác của sinh viên tốt nghiệp 5 khóa đầu (nhất là khóa 1 và khóa 2) cho thấy mục tiêu đào tạo đã được xác định từ khi thành lập là phù hợp với yêu cầu thực tế. Nếu xét riêng khóa 1 và khóa 2 thì sinh viên tốt nghiệp làm công tác giảng dạy chiếm tỷ lệ cao (khóa 1 là 65%, khóa 2 là 49%), tiếp theo là nghiên cứu khoa học (khóa 1 là 20%, khóa 2 là 27%). Nếu xét chung cả 5 khóa đầu thì giảng dạy chiếm 24,2%, nghiên cứu chiếm 19,4%, làm việc tại các địa phương là 21,3%, tại các cơ quan Trung ương là 5,4%. Cũng trong giai đoạn này, Khoa đã đào tạo 14 sinh viên Lào và 6 sinh viên Campuchia.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu xây dựng, song dưới sự lãnh đạo của các Giáo sư Chủ nhiệm Khoa giàu nhiệt huyết, với bề dày kinh nghiệm trong quản lý và uy tín khoa học cao, với đội ngũ cán bộ trẻ, hăng hái nhiệt tình và đoàn kết, với lực lượng sinh viên được lựa chọn kỹ lưỡng theo các quy định của Ban Khoa giáo Trung ương và Trường ĐHTHHN, có tinh thần hăng say trong học tập và rèn luyện, Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHTHHN đã trở thành cơ sở đào tạo chất lượng hàng đầu về kinh tế chính trị của cả nước, khẳng định vị trí của Khoa trong hệ thống giáo dục đại học, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Khoa trong các giai đoạn tiếp theo.
Mười năm đầu thời kỳ đổi mới (1986 - 1995)
Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện và sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm đầu thời kỳ đổi mới, đời sống kinh tế - xã hội rất khó khăn. Trong khi đó, tình hình các nước XHCN diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến việc giảng dạy, nghiên cứu, học tập của thầy trò Khoa Kinh tế Chính trị. Trước những khó khăn và thử thách ấy, bản lĩnh khoa học và bản lĩnh chính trị của tập thể Khoa Kinh tế Chính trị càng được rèn luyện, thể hiện và khẳng định.
Chủ nhiệm Khoa giai đoạn này là cố GS. Đào Văn Tập (đến năm 1989); GS.TSKH Lê Văn Viện (1989-1993) khi đó là Trưởng ban Kinh tế Thành ủy Hà Nội; GS.TS Trần Ngọc Hiên (1993-1995) khi đó là Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường ĐHTHHN, của Chi ủy và Ban Chủ nhiệm Khoa, thầy trò Khoa Kinh tế Chính trị đã có những bước đi vững chắc trên con đường đổi mới.
Năm 1988, đội ngũ cán bộ giảng dạy Bộ môn Mác - Lênin của Trường ĐHTHHN được sắp xếp lại, theo đó các cán bộ giảng dạy môn Kinh tế Chính trị của bộ môn này chuyển về Khoa Kinh tế Chính trị. Như vậy, từ chỗ chỉ tập trung cho công tác đào tạo ngành Kinh tế Chính trị, Khoa Kinh tế Chính trị được giao thêm nhiệm vụ nữa không kém phần quan trọng là giảng dạy môn Kinh tế Chính trị cho sinh viên các khoa của Trường ĐHTHHN.
Căn cứ vào thực tiễn việc làm của sinh viên tốt nghiệp những năm cuối giai đoạn trước và đặc biệt là căn cứ vào yêu cầu của xã hội trong thời kỳ đổi mới, Khoa đã có sự bổ sung về mục tiêu đào tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu ban đầu là đào tạo các chuyên gia kinh tế giỏi về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị. Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo cán bộ lý luận kinh tế vừa có khả năng giảng dạy, vừa có khả năng nghiên cứu, Khoa đã chú trọng tới đào tạo cán bộ có khả năng làm việc trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Khoa đã chọn đổi mới nội dung và chương trình đào tạo làm khâu đột phá của tiến trình phát triển trong giai đoạn mới trên cơ sở giữ vững bản sắc của một đơn vị đào tạo trong một trường đại học hàng đầu của cả nước về khoa học cơ bản. Bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo ngành Kinh tế Chính trị, Khoa đã từng bước chuẩn bị xây dựng chương trình đào tạo các ngành Quản trị kinh doanh và Kinh tế đối ngoại. Nhiều môn học về khoa học quản lý được đổi mới về nội dung; hàng loạt môn học mới, hiện đại về kinh tế học, quản trị kinh doanh, kinh tế đối ngoại được đưa vào chương trình đào tạo trên cơ sở chọn lọc, bổ sung thích ứng với điều kiện của Việt Nam và mục tiêu đào tạo của Khoa.
Quá trình đổi mới nội dung và chương trình đào tạo nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực của Trường ĐHTHHN, các cơ quan quản lý cấp trên và các đơn vị bạn. Nhân tố quyết định ở đây là tinh thần quyết tâm đổi mới, tích cực, chủ động, sáng tạo và lòng nhiệt tình của đội ngũ cán bộ Khoa. Điều đó thể hiện sự vững vàng về bản lĩnh chính trị và khoa học được xây dựng trên nền tảng phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin mà đội ngũ cán bộ Khoa có được trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Khoa Kinh tế Chính trị.
Một nét đặc trưng của đổi mới đào tạo giai đoạn 1986 - 1995 là sự đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Khoa tổ chức đào tạo hệ tại chức từ năm 1988. Từ năm 1991, Khoa liên kết với Công ty Than Quảng Ninh mở 2 khóa đào tạo tại chức cho cán bộ, công nhân viên của ngành than. Từ năm 1992, Khoa đã đào tạo 4 khóa đại học tại chức cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Từ năm 1993, Khoa liên kết với các địa phương (Ninh Bình, Hòa Bình) trong đào tạo tại chức. Cũng từ năm 1988, Khoa tiến hành đào tạo đại học hệ mở rộng ở Hà Nội và Hải Phòng, thu hút đông đảo sinh viên đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, Khoa đã tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho nhiều cán bộ của tỉnh Thái Bình và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Quy mô đào tạo không ngừng tăng lên. Số sinh viên chính quy năm học 1986 - 1987 là 202, năm học 1990 - 1991 là 247 và năm học 1994 - 1995 là 406. Năm học 1994 - 1995, ngoài số sinh viên chính quy, Khoa có 840 sinh viên tại chức, hơn 900 sinh viên hệ mở rộng, hơn 600 sinh viên chính quy không tập trung. Điều đó thể hiện sự tin tưởng của xã hội đối với Khoa.
Tháng 10/1991, Khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo cao học chuyên ngành Kinh tế chính trị xã hội chủ nghĩa. Điều đó phản ánh sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ Khoa, năng lực của Khoa trong đào tạo ngành Kinh tế chính trị.
Hoạt động nghiên cứu khoa học tiếp tục được đẩy mạnh mặc dù kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn ít ỏi. Cán bộ của Khoa đã tham gia 5 đề tài nghiên cứu cấp Bộ và 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường. Trong 2 năm 1988-1989, Khoa đã tổ chức nghiên cứu đề tài “Các quy luật kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH và việc vận dụng chúng trong quản lý kinh tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay”. Trong giai đoạn này, nghiên cứu đổi mới chương trình đào tạo được xác định là trung tâm của hoạt động nghiên cứu khoa học và đã thu được những kết quả quan trọng.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về quan hệ quốc tế của Trường ĐHTHHN, quan hệ hợp tác quốc tế của Khoa được mở rộng với những hình thức mới. Khoa đã hợp tác với Đại học George Town (Hoa Kỳ), Đại học Swimburn (Australia) tổ chức các khóa đào tạo về quản trị kinh doanh. Khoa là thành viên của Chương trình hợp tác nghiên cứu phát triển khu vực Đông Nam Á.
Qua 10 năm đổi mới, Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHTHHN đã trưởng thành và khẳng định vững chắc vị trí của mình trong xã hội. Suốt 21 năm hoạt động trong cộng đồng Trường ĐHTHHN, Khoa Kinh tế Chính trị đã có nhiều đóng góp tích cực và thiết thực vào sự phát triển, vào truyền thống vẻ vang của Nhà trường.