Nơi gây dựng sự trưởng thành của chúng tôi

TS. Đào Minh Phúc
Trong gần 40 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHKT (trước đây là Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHTHHN) đã đào tạo hàng nghìn sinh viên mà nay họ đang cống hiến sức lực và trí tuệ cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Mặc dù với các cương vị ở các lĩnh vực công tác khác nhau, với bối cảnh lúc vào trường và ra trường khác nhau, với thời gian học tập và đào tạo tại trường khác nhau, song tin chắc rằng đến nay ai từng là sinh viên của trường cũng đều có những kỷ niệm, những suy nghĩ riêng về nơi mà mình đã được học tập và đào tạo.
Trong cuộc sống của chúng tôi, thời kỳ sinh viên được xem là thời kỳ phát triển và hoàn thiện về nhân cách và trí tuệ, là thời kỳ có nhiều ước mơ và hoài bão, là thời kỳ có những chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc với việc tự khẳng định mình trong một tập thể và trong xã hội, do vậy phải chăng đây là thời kỳ lịch sử đáng ghi nhớ nhất? Thực vậy, mặc dù thời kỳ học trong trường đại học, thời kỳ là sinh viên chỉ khoảng 4-5 năm, song đây lại là thời kỳ nhân cách và bản lĩnh được khẳng định, trí tuệ được định hướng, những ước mơ và hoài bão được hình thành và thực sự là thời kỳ “chắp cánh” cho mỗi người thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình.

Những ước mơ, hoài bão, sự định hướng và phát triển về trí tuệ, nhân cách trong mỗi người không chỉ tùy thuộc vào bản lĩnh, tố chất, suy nghĩ và đặc điểm của mỗi cá nhân mà còn tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, từng giai đoạn và đặc biệt tùy thuộc vào nơi giáo dục và đào tạo.

Bởi vậy, chúng tôi, những sinh viên khóa 33 (1988-1992) có thể khác với các cựu sinh viên ở các khóa trước và khác với các sinh viên ở các khóa sau về những kỷ niệm hay cả về những hoài bão, ước mơ; song lại có một điểm chung là có cùng một nơi giáo dục và đào tạo là Trường ĐHKT, do vậy chắc hẳn sẽ có nhiều điểm chung trong suy nghĩ, trong nhân cách của mỗi người.

Thật may mắn, ngay sau khi tốt nghiệp Khoa Kinh tế Chính trị, tôi được học tập và đào tạo tại một số trường đại học khác ở trong nước và nước ngoài, và đây có lẽ là cơ hội, là cơ sở giúp tôi có những suy nghĩ và đánh giá về nơi tôi được học tập và đào tạo ban đầu - Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) qua việc so sánh với các trường đại học trong nước và nước ngoài.

Khác với các khoa và các trường đại học thuộc chuyên ngành kinh tế, có thể nói một trong những đặc trưng, đặc thù bao trùm về đào tạo của Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHTHHN đó là trang bị những kiến thức khoa học và lý luận cơ bản về kinh tế và đặc trưng này nằm trong đặc trưng chung của ĐHQGHN là đào tạo “khoa học cơ bản”. Những sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Kinh tế Chính trị là các “cử nhân kinh tế”, được trang bị những kiến thức rất cơ bản và đầy đủ về khoa học kinh tế, được trang bị một “phông” chung về khoa học kinh tế. Điều đặc biệt quan trọng là các sinh viên được trang bị những lý luận chung và cơ bản với một phương pháp luận khoa học cơ bản về khoa học kinh tế. Do vậy, nội dung đào tạo của Khoa Kinh tế không đi vào việc đào tạo mang tính chất kỹ thuật hay chuyên sâu về các nghiệp vụ, về tác nghiệp. Mặc dù vậy, do có những kiến thức cơ bản và phương pháp luận khoa học đã được trang bị, có thể nói các sinh viên sau khi tốt nghiệp ở Khoa Kinh tế Chính trị đều có thể tiếp cận, giải quyết và xử lý các vấn đề, các công việc cụ thể rất linh hoạt và hiệu quả, ngay cả những nghiệp vụ cụ thể và chuyên sâu chứ không chỉ ở lĩnh vực về quản lý và nghiên cứu kinh tế vĩ mô (mặc dù nghiên cứu và quản lý về kinh tế vĩ mô là thế mạnh của Khoa Kinh tế Chính trị). Trên thực tế, điều này đã được thể hiện rõ nét là trong những sinh viên tốt nghiệp Khoa Kinh tế Chính trị đến nay đã xuất hiện nhiều cán bộ có năng lực ở các cương vị lãnh đạo khác nhau, ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực về quản lý, nghiên cứu, giảng dạy, làm các nghiệp vụ cụ thể… Chính vì vậy, có thể nói với đặc điểm về đào tạo của Khoa và của ĐHQGHN, với tâm huyết của các thầy cô trong Khoa, mỗi sinh viên sau khi ra trường đều đủ điều kiện để có thể tự khẳng định mình, tự tạo lập cho cuộc sống và trưởng thành trong các lĩnh vực công tác rất phong phú và đa dạng.

Với tư cách là những sinh viên của Khoa Kinh tế Chính trị trước kia, sinh viên khóa 33 chúng tôi cũng được thừa hưởng những đặc điểm về đào tạo và những truyền thống tốt đẹp của Khoa và Trường. Bên cạnh những điểm chung đó, sinh viên khóa 33 chúng tôi là những “sản phẩm” có những nét đặc thù riêng.

Thời kỳ 1988-1992 là thời kỳ đổi mới sâu sắc, căn bản và toàn diện ở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, là thời kỳ chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Bối cảnh mới ấy đã tác động sâu sắc tới quá trình đào tạo của khóa 33 chúng tôi: Hệ đào tạo và chương trình đào tạo: Chúng tôi là khóa đầu tiên bắt đầu đào tạo hệ 4 năm (trước đó là 5 năm); và cũng là khóa đầu tiên áp dụng chương trình đào tạo 2 giai đoạn, trong đó có thi chuyển giai đoạn sau 2 năm học (đại học đại cương); là khóa đầu tiên áp dụng việc lấy điểm trung bình chung làm căn cứ để tính học bổng cho từng sinh viên; cũng là khóa đầu tiên trong Khoa có đào tạo hệ đại học không chính quy và bắt đầu có sự phân chuyên ngành ở những năm cuối.

Nội dung đào tạo: Thực tế nền kinh tế đã có những thay đổi sâu sắc đòi hỏi lý luận phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Do vậy, sinh viên khóa 33 chúng tôi được đào tạo trong điều kiện hầu hết các giáo trình môn học của những năm trước đây đều có những đổi mới về nội dung và nhiều môn mới được đưa vào, số tiết học của hầu hết các môn cũng đều được thay đổi. Chính những đổi mới này là những cơ hội cho phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sự sáng tạo trong suy nghĩ, học tập và nghiên cứu, là “mảnh đất màu mỡ” để chúng tôi “cày xới”, gieo trồng và thu hoạch những thành quả như hiện nay. Và cũng từ đây, “Câu lạc bộ khoa học” đã được hình thành từ khóa chúng tôi với những hoạt động thường xuyên là mời các báo cáo viên của các cơ quan, các Bộ, ngành về cùng trao đổi, qua đó sinh viên có điều kiện tiếp cận những thông tin từ thực tiễn đổi mới, góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên toàn Khoa Kinh tế.

Sự vất vả và nhiệt tình của các thầy cô giáo: Do đổi mới về chương trình, giáo trình và đặc biệt là bổ sung rất nhiều môn mới nên các thầy cô giáo đã rất tích cực tìm kiếm tài liệu và cập nhật thông tin để biên soạn chương trình, bài giảng nhằm truyền đạt những quan điểm, những kiến thức mới nhất cho sinh viên trong khi vẫn phải bươn chải với những khó khăn đời thường của nền kinh tế thời kỳ đầu chuyển đổi. Cho đến nay sau gần 20 năm ra trường, chúng tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của các thầy cô giáo trong Khoa như thầy Lê Văn Viện, thầy Phùng Xuân Nhạ, cô Tuyết Mai, thầy Vũ Thanh, cô Minh Tâm, thầy Quang Vinh… và các thầy, cô giáo khác trong Khoa Kinh tế Chính trị lúc bấy giờ đã không quản ngại khó khăn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn chúng tôi - những sinh viên còn rất bỡ ngỡ và non trẻ.

Sau gần 20 năm ra trường, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng và xúc động vì sự phát triển nhanh chóng của Trường ĐHKT. Sự phát triển và lớn mạnh đó không chỉ thể hiện ở cơ sở vật chất kỹ thuật như hệ thống giảng đường, các thiết bị phục vụ học tập và nghiên cứu mà cái lớn hơn đó là trí tuệ, là chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; là phong cách quản lý và giảng dạy, là việc mở ra nhiều ngành mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Sự phát triển này là tất yếu, phù hợp với thực tiễn nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập, với sự phát triển cao của lý luận kinh tế. Tính chất liên ngành và đa ngành trong cơ cấu đào tạo của Trường thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết như một “cái cây” phát triển nhiều “cành”, nhiều “nhánh” với cái gốc là “khoa học kinh tế cơ bản”.

Sự phát triển là liên tục, có sự kế thừa như một dòng chảy mà không có điểm kết thúc. Sinh viên khóa 33 chúng tôi đã được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ đi trước để lại, đồng thời đã có những đóng góp nhất định vào sự lớn mạnh của Khoa. Chúng tôi luôn tự hào rằng mình đã là sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị trước kia và Trường ĐHKT ngày nay.

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống của Trường, là một sinh viên cũ cũng như bao bạn sinh viên khác của Khoa, tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các thầy giáo, cô giáo và các cán bộ trong Trường ĐHKT đã không quản ngại khó khăn, giúp đỡ và dìu dắt các thế hệ sinh viên, tạo những nền tảng để gây dựng cho sự trưởng thành của chúng tôi hôm nay.

>>> Xem bản PDF tại đây.

TS. Đào Minh Phúc

Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ Ngân hàng - Ngân hàng NNVN,
Sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị, khóa 33

(Trích Kỷ yếu Trường Đại học Kinh tế - 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống: Đổi mới và Phát triển)

Các tin khác
 
   
 

free stats

Bản quyền thuộc về Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
Giấy phép số 3994/GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông, UBND Thành phố Hà Nội cấp ngày 14/12/2015
144 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.    Tel: (84.24) 37547506     Fax: (84.24) 37546765
Email: news_ueb@vnu.edu.vn
Website:
http://ueb.edu.vn   -   http://ueb.vnu.edu.vn