Hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế và Đại học Sydney chắc chắn sẽ thành công
Dịp lễ kỷ niệm bao giờ cũng là thời điểm tuyệt vời để chúng ta nhìn lại quá khứ đã qua và hướng tới tương lai phía trước. Đó cũng là thời điểm để chúng ta tri ân những thế hệ đã góp phần xây dựng quá khứ và định hướng tương lai của chính chúng ta. Từ đất nước Australia, tôi viết những lời chia sẻ này tới các bạn đồng nghiệp Việt Nam nhân dịp Trường ĐHKT kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Trường và 40 năm truyền thống Khoa Kinh tế Chính trị với tấm lòng chân thành cùng những lời chúc tốt đẹp nhất.
Trước hết, tôi xin chia sẻ những cảm nhận của mình về các dịp lễ kỷ niệm, những nỗ lực cùng với dòng thời gian để tạo dựng nên Đại học Sydney của chúng tôi cũng như Trường ĐHKT của các bạn và ý nghĩa của những hoạt động kỷ niệm này đối với quan hệ hợp tác trong tương lai giữa hai trường chúng ta.
Năm 2000, Đại học Sydney tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm thành lập (mặc dù cho đến thời điểm này, năm 2000 đã là một khoảng thời gian khá xa). Vào thời điểm đó, tôi chưa ý thức sâu sắc về lễ kỷ niệm này mặc dù bản thân tôi là cựu sinh viên của Đại học Sydney và lúc đó tôi đang làm việc trong một lĩnh vực khác mà chưa hề có suy nghĩ mình sẽ quay về làm việc tại Trường. Ba năm sau tôi thi đỗ nghiên cứu sinh. Đến năm 2006, tôi vô cùng may mắn được chỉ định vào vị trí “Giảng viên Lễ kỷ niệm 150 năm về Khởi sự doanh nghiệp quốc tế.” Lễ kỷ niệm thành lập Trường đã đem tới cho tôi một công việc mới, một nghề mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm, đó là giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Kinh doanh - Đại học Sydney. Sau đó, tôi đã có khoảng thời gian ba năm vô cùng ý nghĩa để có thể lý giải cụm từ “Lễ kỷ niệm 150 năm” như thế nào và ta có thể giảng dạy, nghiên cứu gì về khởi sự doanh nghiệp.
Đại học Sydney là ngôi trường đại học lâu đời nhất tại Australia. Được thành lập từ năm 1850, cho đến nay Trường có khoảng 50 nghìn sinh viên theo học nhiều chương trình đào tạo mỗi năm và có khoảng 3 nghìn cán bộ. Riêng Khoa Kinh doanh có khoảng 7 nghìn sinh viên và 300 cán bộ giảng viên. Với gần 200 nghiên cứu sinh, Khoa hiện là đơn vị đào tạo và cấp bằng lớn nhất về nghiên cứu ở Australia cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2010, Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi vô cùng may mắn khi có dịp trở lại Hà Nội vào những ngày này và thích thú tham quan các hoạt động kỷ niệm cũng như cảm nhận không khí tưng bừng của đại lễ. Nhưng thật đáng tiếc, tôi mới chỉ biết Hà Nội của 17 năm trở lại đây so với lịch sử 1.000 năm của thành phố Thủ đô này. Tháng 1/2010 là điểm mốc vừa đúng 17 năm kể từ lần đầu tiên tôi đến thăm Việt Nam, khi đó tôi còn là một thanh niên trẻ. Tôi đến Việt Nam mang theo biết bao câu hỏi về cuộc sống và mong mỏi có thể tìm thấy câu trả lời ở đất nước của các bạn. Vốn là một người Australia ưa tò mò và gan dạ, tôi chuẩn bị mấy bộ quần áo, vài cuốn sách và tập vở cùng một chiếc máy ảnh, bắt đầu cuộc hành trình đến đất nước Việt Nam - có thể là một chuyến đi không thể phai mờ trong ký ức của riêng tôi. Ở đây, tôi tự hào rằng mình đã ghi thêm tên vào danh sách những người đạp xe, và ròng rã ba tháng trời tôi đã đi dọc theo chiều dài của đất nước các bạn. Cuối cùng, bạn biết không, thật đáng tiếc là tôi đã bán chiếc xe của mình ở Hà Nội khi kết thúc chuyến đi. Những tháng ngày tới thăm Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi. Mặc dù không tìm được lời giải đáp nào cho những thắc mắc về cuộc sống mà tôi đã đặt ra từ trước chuyến đi, song tôi nhận ra rằng mình đã tôn trọng và yêu biết bao nhiêu đất nước cũng như con người Việt Nam. Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã để lại thêm một dấu ấn nữa trong tôi.
Với lịch sử xây dựng và phát triển của Đại học Sydney, chúng tôi có thể lần ngược lại thời gian và tìm ra những người đã từng làm chủ mảnh đất mà hiện nay Trường đang tọa lạc. Mặc dù không tổ chức các hoạt động kỷ niệm để đánh dấu những thời khắc đó, song người Gadigal ở vùng Eora đã trông coi mảnh đất này trong hàng nghìn năm. Tuy nhiên, chính trên mảnh đất của tổ tiên họ mà chúng ta đã có lúc quên đi thông điệp của thời gian.
Những dịp kỷ niệm như thế này vừa có thể làm ta hân hoan song đôi khi lại nản lòng khi nhận ra chúng ta quá nhỏ bé so với lịch sử phát triển của cả hai ngôi trường và hai dân tộc. Dù sao, tôi nghĩ chúng ta cũng nên vui mừng như thông điệp mà Đại học Sydney đã đưa ra: “Sidere mens eadem mutato” (tạm dịch: “Tinh tú dù thay đổi nhưng trí óc trí óc con người luôn trường tồn”). Đôi khi khoảng cách địa lý và thời gian có thể làm ta lạc lối song trí óc con người dù ở nơi đâu và ở thời điểm nào cũng có nhiều điểm chung, và nó có thể hiện hữu khắp nơi.
Hãy cùng nhau chia sẻ giá trị, tầm nhìn và những đam mê chung. Thách thức mà chúng ta đang gặp phải là làm sao xây dựng, phát triển các hoạt động hợp tác hữu nghị, hiệu quả giữa hai trường trên nền tảng của 40 năm, 150 năm, 1.000 năm và 10.000 năm lịch sử. Mối quan tâm tương lai của các bạn và của chúng tôi có thể là một lễ kỷ niệm chung: nó lớn hơn cuộc sống của mỗi chúng ta song chúng ta sẽ đóng vai trò quan trọng vào đó.
Tôi mong muốn và chờ đợi được tiếp tục làm việc với PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn và các cán bộ giảng viên của Trường ĐHKT. Chúng ta đã đạt được những thành công bước đầu trên con đường xây dựng quan hệ đối tác giữa Trường ĐHKT và Đại học Sydney, có thể kể ra đây như: lần đầu tiên nghiên cứu sinh của Trường ĐHKT, cô Nguyễn Thùy Linh, đã đến học tập tại Khoa Kinh doanh - Đại học Sydney vào tháng 6/2011; một biên bản thỏa thuận ghi nhớ về vấn đề trao đổi giảng viên, sinh viên, các dự án nghiên cứu đã được ký kết trong năm 2010; dự án “Khởi sự doanh nghiệp cho phụ nữ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước châu Á” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AuAID) tài trợ năm 2010; dự án nghiên cứu tập trung thu thập các nghiên cứu trường hợp về doanh nhân địa phương ở các nước Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam; và nhiều sáng kiến nâng cao chất lượng giảng dạy cho sinh viên và học viên cao học của Trường ĐHKT về khởi sự doanh nghiệp và đổi mới.
Tôi tin tưởng tình hữu nghị giữa Trường ĐHKT - ĐHQGHN và Khoa Kinh doanh - Đại học Sydney sẽ ngày càng phát triển và thăng hoa. Chúng ta có nhiều hoạt động được cam kết sẽ tiến hành vào năm 2012. Tôi tin tưởng sự hợp tác của chúng ta sẽ phát triển và thành công.
>>> Xem bản PDF tại đây.
TS. Richard Seymour
Giám đốc Chương trình Đổi mới và Doanh nghiệp, Trưởng nhóm Nghiên cứu Đổi mới và Khởi sự Doanh nghiệp, Khoa Kinh doanh - Đại học Sydney, Australia
(Trích Kỷ yếu Trường Đại học Kinh tế - 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống: Đổi mới và Phát triển)