Trường Đại học Kinh tế - Đại học Nagoya: Cùng hợp tác, cùng phát triển
Bằng những hành động cụ thể, mối quan hệ hợp tác giữa hai trường - Trường ĐHKT và Đại học Nagoya - ngày càng sâu đậm.
“Trường ĐHKT là đối tác chiến lược”
Đó là nhận định của GS. Soemon Takakuwa, Trưởng nhóm nghiên cứu JSPS Asian Core Program, Đại học Nagoya (Nhật Bản) qua chuyến thăm và làm việc với Trường ĐHKT vào tháng 9/2011. Hướng đến mục tiêu chung là trao đổi khoa học, nghiên cứu đào tạo, cùng với niềm tin vào tương lai tốt đẹp về mối quan hệ bền vững, sự kiện này đã đặt viên gạch đầu tiên cho quan hệ hợp tác về nghiên cứu giữa nhóm nghiên cứu JSPS Asian Core Program của Đại học Nagoya và Trường ĐHKT.
|
GS. Soemon Takakuwa - Trưởng nhóm nghiên cứu JSPS Asian Core Program, Đại học Nagoya (Nhật Bản)
|
Mối quan hệ này càng trở nên sâu sắc khi đoàn đại biểu Trường ĐHKT, do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn dẫn đầu, theo lời mời từ phía Nhật Bản sang tham dự hội thảo “Sản xuất bền vững và Quản trị môi trường” vào tháng 1/2012. Tại đây, các bên đã đi đến thỏa thuận chính thức việc Trường ĐHKT sẽ phối hợp với Đại học Nagoya đồng tổ chức Hội thảo “Sản xuất bền vững và Quản trị môi trường” lần thứ 15 tại Hà Nội vào tháng 10/2012. Sản xuất bền vững (sản xuất gắn liền với giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường) là một chủ đề nằm trong Asian Core Program (Chương trình nghiên cứu châu Á), được tài trợ bởi Tổ chức Phát triển Khoa học Nhật Bản; với sự tham gia của các giáo sư, các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ, các lãnh đạo doanh nghiệp từ nhiều trường đại học lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Trường ĐHKT cũng đã chính thức gia nhập chương trình nghiên cứu này từ tháng 10/2011.
Với tư cách là người đại diện của Asian Core Program, GS. Takakuwa nhận định: “Trường ĐHKT là một trường đại học năng động, có năng lực nghiên cứu tốt. Chúng tôi mong muốn hợp tác toàn diện với Trường ĐHKT trong việc triển khai các chương trình nghiên cứu; đồng thời áp dụng sáng tạo các thành quả Asian Core Program vào Việt Nam thông qua Trường ĐHKT”. GS. Takakuwa đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam, ông cũng hứa sẽ mời thêm các học giả trong nhóm nghiên cứu JSPS Asian Core Program quay trở lại Trường ĐHKT để tiến hành các cuộc tọa đàm khoa học với giảng viên của Trường.
Cầu nối Việt - Nhật
Với tư cách là đối tác hợp tác chính và là cầu nối gắn kết các chương trình nghiên cứu trong khuôn khổ Asian Core Program của Nhật Bản với Việt Nam, Trường ĐHKT đang nỗ lực hết mình để thực hiện vai trò của mình, qua đó vun đắp thêm mối quan hệ hợp tác toàn diện và sâu rộng giữa hai quốc gia.
Sự kết hợp giữa Trường ĐHKT và Đại học Nagoya trong việc tổ chức hội thảo nói riêng và mối quan hệ hợp tác trong các nghiên cứu nói chung là minh chứng đẹp đẽ cho mối quan hệ Việt - Nhật. Thành công của hội thảo đã để lại nhiều ấn tượng đẹp về đất nước, con người Việt Nam trong con mắt bè bạn quốc tế, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các quốc gia Đông Á nói chung; và giữa Trường ĐHKT với các đại học, cơ quan nghiên cứu trong Asian Core Program nói riêng.
Về phía Nhật Bản, GS. Takakuwa hy vọng: “Kinh nghiệm và công nghệ của Nhật Bản về quản trị môi trường sẽ được chia sẻ và đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững tại các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Hơn hết, với mối quan tâm chung tới vấn đề đổi mới công nghệ cùng với sự coi trọng môi trường, coi trọng sản xuất xanh, sự hợp tác quốc tế sẽ được củng cố giữa các viện nghiên cứu, cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp”. Và như để minh chứng cho điều này, tại hội thảo “Sản xuất bền vững và Quản trị môi trường” lần thứ 15 được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai và Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Việt Thanh đã đánh giá cao nỗ lực không ngừng vươn lên trong công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời hoan nghênh ý tưởng của các nhà nghiên cứu của Trường ĐHKT xây dựng mô hình sản xuất bền vững và quản trị môi trường cho Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động nằm trong khuôn khổ của Asian Core Program, Trường ĐHKT còn mở rộng mối quan hệ hợp tác toàn diện với các trường đại học Nhật Bản thông qua việc tham gia các hoạt động, hội thảo diễn ra tại Nhật Bản như: hội thảo quốc tế Greater Mekong Sub-region, hội nghị các hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam - Nhật Bản G-30…, qua đó thiết lập mối quan hệ, đề xuất việc hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường như Đại học Kyoto, Đại học Nagoya, Đại học Yokohama, Đại học Thương mại Chiba…
Những hoạt động thiết thực và hiệu quả trên đã góp phần vào việc quảng bá hình ảnh của Trường ĐHKT trên đất nước Mặt trời mọc, thúc đẩy mối quan hệ giữa Trường ĐHKT với các trường đại học ở Nhật Bản. Và sâu xa hơn, điều này đồng thời thắt chặt thêm mối quan hệ bền vững, tin cậy giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
>>> Xem bản PDF tại đây.
Hiếu Minh (thực hiện)
(Trích Kỷ yếu Trường Đại học Kinh tế - 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống: Đổi mới và Phát triển)